TRIỂN LÃM

Posted: Tháng Bảy 26, 2023 in Trang Chủ

Nguyễn Đình Thuần
với tranh trừu tượng

Dẫn nhập vào thế giới trừu tượng:
Kể từ thời hội họa trừu tượng ra đời vào đầu thế kỷ 20, dầu đã có manh nha, tiềm tàng từ impressionism với quan điểm “cảm xúc cùng thiên nhiên chứ không sao chép thiên nhiên”. Họa sĩ Jay Meuser ( 1911-1963) nói một câu khá thích thú:  “Nắm bắt được tinh thần huy hoàng của biển cả còn tốt hơn nhiều so với việc vẽ tất cả những gợn sóng nhỏ của nó.” Và, đã có nhiều phong cách trừu tượng ra đời. De Kooning với những nét phóng màu mạnh mẽ  như củi tước, Pollock điều khiển những đường màu chảy vung vãi trong không gian tranh, Pollock để cho tâm trạng của mình quyết định màu sắc, Mark Rothko với những vùng, mảng màu lớn ( color-field ) tạo không gian kì bí, những khối đen chồng chất, đan nhau như những kiến trúc đồ xộ hay như những bóng cây sồi mạnh mẽ của Franz Kline, Cy Twombly ngăn chặn sự kiểm soát có ý thức để chỉ hành động theo bản năng trong vô thức…v..v.. đã mang lại cho thế giới hội họa cuộc giải phóng tuyệt đối ra khỏi cái nhìn thực tế, khô khốc trên sự vật.
Ở nước ta ngày càng nhiều họa sĩ theo trào lưu lồng lộng này. Tuy không ít những người chạy theo vì thấy dễ dàng quá, nhái theo phong cách người khác một cách trơ trẽn, ngay cả những người chưa biết gì về màu sắc cũng cứ vung bừa màu lên canvas rồi bảo đó là vẽ theo xúc cảm. Nhưng tôi biết thừa là trong thâm tâm họ vẫn âm thầm hoang mang. Không sao, chẳng ai dạy được nhau cảm xúc, hơn nữa cũng không có một tiêu chuẩn hay mẫu mực nào để bảo viết một câu thơ như thế nào là đúng, phóng một đường màu như thế nào là chuẩn… vẽ miệt mài cũng là cách học hỏi. Cứ vẽ nhiều, tốn nhiều tiền mua màu, làm việc nhiều thời gian chắc chắn sẽ có cảm xúc thật và hiểu được ngôn ngữ hội họa. Mà, hội họa vốn dĩ là trừu tượng.

Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần và tác phẩm:
Bạn tôi, họa sĩ Nguyễn Đình Thuần sinh năm 1948, hiện sinh sống tại Westminster – California Hoa Kỳ. Tốt nghiệp hội họa ở Trường Mỹ Thuật Huế. 
Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần là người hiền hòa, rất tốt bụng, thích kết giao bạn bè và giúp bạn bè những lúc bạn cần giúp. Nguyễn Đình Thuần sống lặng lẽ, nhàn tản và vẽ. Những lần đi du lịch, tôi gặp chàng những sáng mênh mông nắng, những buổi tối thoáng mát dịu êm cùng vài người bạn văn nghệ vui với nhau đủ làm cho không gian hạnh phúc tràn lan. Cách tiếp bạn nhiệt tâm khiến cho ai đến vùng Westminster-California cũng nhớ chỗ Nguyễn Đình Thuần là địa chỉ tin cậy, ấm áp, thích hợp và an lành nhất.
Lần này trở về thăm quê nhà có mang theo 28 tranh hầu hết là trừu tượng về tổ chức triển lãm, lần thứ nhất tại Saigon, trưng bày tại Bình Mình Art Gallery 29A Ngô thời Nhiệm, Q.3 TP. HCM. Đây cũng là thời điểm đánh dấu kỷ niệm 50 năm hành trình hội họa như Nguyễn Đình Thuần thố lộ.
Kỷ niệm 50 năm là một dấu mốc quan trọng. Nó là một nỗ lực thời gian của nửa đời một con người. Khi kỷ niệm 50 năm là người ta muốn trưng bày cho mọi người thấy một thành quả mà bản thân thấy thỏa mãn, gặt hái những thành đạt. Người làm nghệ thuật lại càng quan trọng hơn vì họ sẽ cho chúng ta thấy những khám phá tuyệt vời tích tụ trong ngần ấy năm qua tác phẩm. Chúng ta sẽ đến với triển lãm để cùng chia sẻ những điều hay, đẹp của họa sĩ.
Trong văn học nghệ thuật thường người sáng tạo tác phẩm luôn cần quần chúng. Nhà văn, nhà thơ cần có người đọc, họa sĩ cần người thưởng lãm, ca sĩ cần khán giả…sự trở về quê nhà triển lãm là một chọn lựa thích hợp, nhất là hiện nay ngành hội họa đang rộ lên trong nước như lễ hội, cộng thêm cái nhìn rộng thoáng về nghệ thuật, mặt bằng tổ chức triển lãm đủ mọi tiêu chuẩn tạo điều kiện tốt đẹp cho họa sĩ, đã mang lại sự khởi sắc như thời gian vừa qua.
Được hỏi về mục đích, hướng đi tìm cái đẹp trong hội họa và đề tài triển khai thế nào? Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần cho biết:
– Triển lãm tranh lần này không quy tập vào chủ đề nhất định. Tôi thường vẽ theo suy nghiệm và cảm xúc, theo tôi chủ đề chỉ làm suy giảm cái nhìn tổng thể của nội quan và hạn hẹp.
Như thế họa sĩ đã chọn lựa sự tự do, chọn trừu tượng giải phóng tuyệt đối ra khỏi những ước lệ gò bó cho việc sáng tác họa phẩm.  Có một dạo Nguyễn Đình Thuần pha trộn abstract với vài hình ảnh ấn tượng mà người ta hay gọi là semi-abstract nhưng vẫn rất cần thiết thể hiện những cảm xúc mạnh để quyến rũ người xem…..Ở đây, trong 28 bức tranh, chúng ta thấy Nguyễn Đình Thuần từ chối đường nét, những đường nét ngẫu nhiên tích cực có cường độ mạnh mẽ của action, để chỉ rải đều điểm màu sắc biểu cảm rực rỡ gần như nguyên chất trên những mảng màu được phân cách, hay bố cục rải rác tạo ra một đấu trường trong đó vẻ đẹp và sự hài hòa hòa hợp với sự hỗn loạn. Nguyễn Đình Thuần tập trung vào sức mạnh và tiềm năng của màu sắc, thông qua việc sử dụng các lĩnh vực mảng màu khác nhau và nét vẽ chấm chấm tạo ra hiệu ứng không gian thú vị. Tác phẩm được tạo ra có chủ ý, nhưng hiệu quả là do xung lực ngẫu nhiên. Triển khai một không gian bằng cảm xúc chứ không phải bằng lý lẽ. Lý lẽ chỉ giới hạn bước đi của họa sĩ.
Có một mẫu số chung của các họa sĩ thích được khen tranh của mình diễn tả sự giằng xé, nỗi bất hạnh hay thao thức dằn vặt…v.v. Trong khi bản thân lại muốn tự do, giải phóng tách rời một ý tưởng khỏi các tham chiếu khách quan. Thật là nghịch lý. Trừu tượng không giải quyết việc diễn giải một chủ đề mang tính biểu tượng.
Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần nói thêm:
Hội họa ( nghệ thuật) nói chung là đường đi không đến, vẫn phải miệt mài và can đảm đi và không đến, vẻ đẹp thì muôn nơi, điều gì làm rung cảm mình thì vẽ, không quy tập vào đề tài nào cả.
Paul Gauguin nói vẽ là đi tìm sự thật của cái đẹp. Một cái “thật” của chân lý. Chân lý thì cứ phải đi tìm miết. Có nghĩa đường đi của họa sĩ là đường đi không có điểm dừng. Hội họa từ cổ đại đến nay vẫn còn đang phát triển, và sẽ còn tiếp diễn, còn mãi.
Ở Hoa Kỳ, mỗi họa sĩ ở mỗi nơi xa xôi, cách nhau ít có dịp hội tụ. Trong không gian của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần yên tĩnh đơn lẻ. Hoạt động trong đơn tuyến thường là một thiệt thòi cho người làm nghệ thuật. “Người có đám, chim có bầy”. Trong sinh hoạt nếu có nhóm sẽ thêm động lực làm việc, thúc đẩy nhau vui vẻ sáng tạo. Những khám phá của người này luôn là gợi ý cho người kia về một hướng phát triển quy chiếu riêng. Âm thầm làm việc một mình sẽ thiếu năng động, sự cố gắng chỉ là bù đắp như điền vào chỗ trống.
Có một điều tối kỵ với họa sĩ là vẽ để giải khuây. Giải khuây chỉ nên vẽ chim hoa cá cảnh rồi treo làm đẹp bức tường. Không thể là tác phẩm. Tác phẩm là con người, là thân phận, là một đời sống có lẽ sống chi phối đến tâm trạng kẻ khác. Họa sĩ là người cung cấp cho người xem thứ gì đó có thể tạo ra những hiệu ứng này nọ.
Phát triển phong cách cá nhân:
Họa sĩ nào cũng muốn mình tạo được một phong cách cá biệt. Nhưng trước hết đều bị kìm hãm bởi thói quen quá lâu từ mẫu mực. Hầu hết những người xuất thân từ trường sở dễ bị những thói quen làm cho không thể bứt phá được. Thói quen làm việc nhẩn nha cho xong việc, thói quen tư duy, nhìn ngắm sự vật, thói quen dùng khả năng sẵn có để hoàn tất công việc dễ dàng. Trong khi mục đích của trường sở là đào tạo và trang bị vốn liếng để học sinh khi ra trường xây dựng một thế giới mới. Rời khỏi trường luôn có những câu hỏi vang lên: bắt đầu từ đâu? Triển khai những gì học ở trường? Triển khai những khuất phục từ các lứa đi trước như một kim chỉ nam, một chuẩn mực, hay những người đã nổi tiếng đình đám trong nước hoặc trên thế giới, đã lan truyền qua sách vở có khi từ hằng thế kỷ qua?… v…v…Một điều nữa là hay bị ảnh hưởng của họa sĩ mình giao tiếp đã có những thành đạt lừng lẫy. Vô hình trung Nguyễn Đình Thuần giao lưu với họa sĩ Đinh Cường và cả Nguyên Khai, vì thế trong tranh Nguyễn Đình Thuần thấp thoáng bóng thiếu nữ một chút Đinh Cường, một chút Nguyên Khai chúng ta cũng không lấy làm lạ… khung cảnh thơ mộng của Huế chưa đủ đánh thức những cung bậc lãng mạn trong tâm hồn Nguyễn Đình Thuần giống như các thiếu nữ được pha trộn với không gian giáo đường đầy chất thơ trong tranh Đinh Cường. Ảnh hưởng này đôi khi tác giả không thấy rõ nhưng người xem thì thấy. Nhớ quê không nhất thiết phải vẽ mái tranh hay dòng sông. Những loại tranh này của Nguyễn Đình Thuần với cá nhân tôi là không thành công.
Lời tuyên bố hùng hồn và khẳng định quyết liệt vẫn chưa cho chúng ta thấy được cái mức đến của tác phẩm, ước mơ của Nguyễn Đình Thuần. Xem bút pháp, người ta thấy Nguyễn Đình Thuần vẽ còn dè dặt, có phần nhát tay. Vẽ không cần phải múa hay cần nhảy lên mới mạnh mẽ mà là những xung đột nội tâm ứa ra những cảm xúc nóng bỏng truyền qua đường bay, đường cọ. Cảm xúc hiện diện trong một tác phẩm nghệ thuật là khía cạnh quan trọng nhất.
Dầu sao với 28 tranh trừu tượng của Nguyễn Đình Thuần cũng khắc họa được một cuộc chơi lịch lãm với màu sắc đầy kì thú.
Được hỏi về quan điểm, Nguyễn Đình Thuần tuyên bố:
– Hội họa chọn tôi là một nghiệp dĩ, đã được chọn rồi thì cứ lên đường, hân hoan vác thánh giá trên con đường khổ nạn. Amen.
Tôi không khoái lắm câu trả lời này vì nó rất chung chung. Các họa sĩ khi được hỏi về tranh của mình thường dẫn giải mơ hồ có khi vượt quá giá trị của tác phẩm. Làm việc có thể là cật lưc, quên ăn, quên uống, quên cả thời gian vì đam mê, mà đam mê lại là hạnh phúc không phải là khổ nạn nên Nguyễn Đình Thuần không cần “ vác Thánh Giá”. Tôi cho rằng câu nói này chỉ là nói cho vui. Thế nhưng, tôi cũng lại vẫn thích những cái cao ngạo, những cái vỗ ngực của nghệ sĩ. Vì họ biết họ vỗ ngực về cái gì. Cái vỗ ngực chính là cái khẳng định trách nhiệm của tác giả với tác phẩm của mình. Nghệ sĩ không có cái tôi sẽ chỉ là một công cụ.
Đi tham dự một cuộc triển lãm nào cũng thế, bạn sẽ bắt gặp những bức tranh khiến bạn sửng sốt. Bạn muốn sở hữu bức tranh đó ngay. Ra về có thể bạn sẽ rủ vài người bạn đến quán cà phê, bạn sẽ hâm nóng những câu chuyện bắt gặp ở phòng tranh và bạn bị lôi cuốn bởi những dư âm, những ám ảnh đó mãi không thôi.

Nguyễn Trọng Khôi
Thị trấn Đồi Phú Quý-USA
June 30/2023

———————————
Triển lãm được tổ chức tại:
Bình Mình Art Gallery. 29A Ngô thời Nhiệm, Q.3 TP. HCM
Từ 23 đến 30 tháng 7/2023
———————————
ps/ xem thêm tại: https://hoasivietnam.wordpress.com
Bài trên : Người Đô Thị.
https://nguoidothi.net.vn/nguyen-dinh-thuan-va-tranh-truu-tuong-40217.html

Phân Ưu

Posted: Tháng Hai 2, 2023 in Trang Chủ

Họa sĩ Thanh Trí

Họa sĩ. Tên thật Nguyễn Thị Thanh Trí, sinh năm 1939 tại Huế, Trung Việt. Tốt nghiệp ưu hạng khoá 1 năm 1961 Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ thuật Huế. Tốt nghiệp khoá Sư phạm hội họa quốc Gia Cao Đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1962. Hai mươi bốn năm dạy hội họa tai các trường:Nữ Trung Học Nha Trang, Hàn Thuyên Nha Trang, Nguyễn Du Sài Gòn, Văn Hiến Sài Gòn, và các lớp hội họa. Năm 1987 đến Hoa Kỳ. Thời gian đầu hành nghề họa sĩ tự do free lance artist Seller’s Permit . Tiếp tục tu nghiệp về hội họa và tốt nghiệp Design Drafting năm 1993 tại Cosumnes River College Sacramento. Hiện định cư tại Sacramento California USA.

Là họa sĩ vẽ nhiều loại: màu nước trên lụa, trên giấy-màu dầu trên bố canvas, gỗ-Sơn mài

Đã tham dự trên 26 cuộc triển lãm chung và cá nhân tại Việt Nam và nhiều quốc gia từ năm 1965 đến 2005. Cuộc triển lãm mới nhất được tổ chức tại miền Nam California Hoa Ky, vào tháng 4 năm 2005.

Đã được các giải thưởng :

The League Of Carmichael Artists Presents (Silence Color )

Sacramento Fine Art Center (Old Man)

California Art League (Reflection)

The League Of Carmichael Artists Presents (The nature’s color)

*Tác phẩm đã xuất bản

Tranh và Thơ Thanh Trí (Hoa Kỳ năm 2004)

Đăng ký tai thư viện Quốc Gia Hoa Kỳ

ps/ Tôi còn giữ một cánh thiệp chị vẽ gửi tôi vào cái Tết của mùa xuân đã lâu.

Cy Twombly

Posted: Tháng Hai 8, 2022 in Trang Chủ

TRANH CY TWOMBLY

Cy Twombly là ai?

Twombly sinh ra ở Virginia, Hoa Kỳ vào năm 1928. Được cha mẹ ủng hộ theo học nghệ thuật từ khi còn nhỏ, đến năm 12 tuổi Twombly học vẽ hoạ sĩ Tây Ban Nha nổi tiếng Pierre. Lớn lên ông theo học Đại học Tufts, Đại học Washington và Lee, Liên đoàn Nghệ thuật Sinh viên New York. Năm 1957 ông chuyển đến Ý sinh sống, cưới vợ, mở xưởng vẽ tranh tại thành phố Rome. Ông mất ngày mùng 5 tháng 7 năm 2011, tại Rome, vì căn bệnh ung thư.

Cy là biệt danh do bố ông đặt (đọc là SAI).

Cy Twombly là một trong số những hoạ sĩ quan trọng bậc nhất trong nghệ thuật đương đại của thế kỉ 20. Những tác phẩm của ông thoạt nhìn giống như các bức vẽ graffiti trên tường. Nhưng trong thực tế, ông là một hoạ sĩ học hành có bài bản, trí tuệ vô cùng uyên bác, tranh của ông lơ lửng giữa chữ và hình ảnh.

Tôi thấy những đứa trẻ trong con người nghệ thuật của Cy!

Như tôi đã nói ở trên, với các bậc cha mẹ có con nhỏ ai cũng gặp phải những rắc rối, ngoại trừ trần nhà là nơi bọn trẻ không với tới được thì những bức tường hay bất cứ đâu trong ngôi nhà cũng không thoát khỏi việc lũ trẻ viết và vẽ những “tác phẩm đích thực” theo trí tưởng tượng của chúng.

Twombly cũng vậy, ông chủ trương thoát khỏi xiềng xích mang tên “kĩ năng hội họa”, để tự do thể hiện bản thân như một đứa trẻ.

Cy tự mô tả về những tác phẩm của mình như thế này: “Đường nét vẽ của tôi giống như trẻ con, nhưng không phải trẻ con, rất khó để nguỵ trang, muốn vẽ được như thế phải tự mình chiếu vào đường nét của đứa trẻ. Và để làm được vậy, người nghệ sĩ phải thực sự nhạy cảm.”

Cái khó nhất của người nghệ sĩ, đó là tác phẩm phải chạm được vào dây thần kinh nào đó của công chúng. Hoặc lay động, hoặc ấm áp, hoặc buồn bã, hoặc sợ hãi, hoặc hi vọng, hoặc thất vọng, hoặc cảm nhận được sức mạnh cuộc sống. Tức là phải tạo ra được tia lửa, nó đủ đốt cháy cảm xúc, phải đập mạnh vào giác quan người thưởng thức.

Như hoạ sĩ thiên tài Pablo Picasso đã từng nói: “Tôi mất bốn năm để vẽ như Raphael, nhưng mất cả đời để vẽ như một đứa trẻ – It took me four years to paint like Raphael, but a lifetime to paint like a child”. Sự nghiệp của Cy Twombly, với những bức tranh khổ siêu lớn, mà bố cục, đường nét, màu sắc tự nhiên như một đứa trẻ lên ba; quả là không phải dạng vừa.

Cy đã làm xuất sắc điều đó

Tôi xem một Facebooker mỗi caption chỉ vài chục tương tác, nhưng khi đăng tranh của Cy lên với dòng giới thiệu ngắn ngủi, vậy mà mấy tiếng sau có 2,2k chia sẻ và 1,5k bình luận; hầu hết đều là những người có con nhỏ, chừng đó đủ chứng minh Cy đã thành công trong việc chạm được vào dây thần kinh của những công chúng khó tính nhất.

75 triệu đô la cho bức Untitled…

Có người phải thốt lên rằng: “cho không còn bị đấm chứ nói gì đến 75 triệu đô la!” Đó chính là thành công của Cy, thành công khi có những người phải bỏ ra số tiền siêu khủng để sở hữu bức tranh, nhưng có người lại cảm thấy giận dữ khi nhìn vào nó, thậm chí muốn đấm cả tác giả.

Rất nhiều comments nói rằng “con tôi còn vẽ đẹp hơn!’

Và những bằng chứng được các bậc phụ huynh đưa ra, nhiều người chia sẻ ‘tranh’ con họ vẽ, đó là những ảnh chụp tường nhà loang lổ, những tờ giấy A4 vẽ đủ hình thù rất ngây thơ đáng yêu.

Nhưng các bạn hãy bình tĩnh, tranh của Cy hoàn toàn khác, đó là những đứa trẻ trong con người hoạ sĩ, chứ không phải là trẻ con vẽ những bức tranh đơn giản.

Untitled có kích thước = 468 x 317cm

Hãy nhìn kĩ vào con số, tức là tranh của Cy có kích thước, một bức tranh khổng lồ; nó hoàn toàn khác với việc cầm một cây bút màu nguệch ngoạc lên tờ giấy A4, hay vẽ lung tung lên tường nhà tuỳ thích.

Khi vẽ bức tranh này, Cy đã phải chôn một cái cột thật chắc, ông cố định cây cọ khổng lồ lên cột, bằng cách nào đó nhúng được vào sơn đỏ, rồi vẽ những hình xoắn ốc lên xuống rất ổn định giống như một nét vẽ duy nhất. Tôi vẫn chưa hiểu tại sao Cy làm được điều này.

Rõ ràng việc cầm bút di chuyển trên tờ giấy nhỏ hay trên tường nhỏ nó khác hoàn toàn với cầm cây cọ di chuyển trên màn vải khổng lồ 468 x 317cm. Đó không còn là di chuyển của cổ tay và ngón tay đơn thuần. Mà là chuyển động của cánh tay, vai, lưng, eo, chân, toàn cơ thể phải chuyển động với sự phân bổ lực cũng nhưng động học di chuyển phải cực kì khoa học, cực kì tinh tế, cực kì chuẩn xác, cực kì ổn định.

Rất khó để có hoạ sĩ làm được điều này

Đó là đặc điểm xuyên suốt trong tranh của Cy Twombly, luôn đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, chính xác, cẩn thận, khoa học trong từng đường nét.

Người hoạ sĩ vừa phải có sức khoẻ tốt, có trí tuệ tuyệt vời, có nền tảng kiến thức khoa học cơ bản vững vàng; bởi nếu chỉ cảm tính đơn thuần sẽ không thể tạo nên được bức tranh Untitled với đường nét vẽ kinh ngạc như vậy.

Hãy ghi nhớ Untitled là bức tranh khổng lồ!

Quan điểm tranh khổng lồ, uy lực, tỉ mỉ và chính xác Twombly chịu ảnh hưởng từ Mark Rothko, tác giả của những bức tranh ba dải màu khổng lồ nổi tiếng, bức rẻ nhất 75 triệu đô la, bức đắt nhất 186 triệu đô la.

Rothko từng viết: “Tôi vẽ những bức tranh rất lớn vì muốn nó gần gũi với con người. Vẽ một bức tranh nhỏ là đặt bản thân ra ngoài trải nghiệm. Với bức lớn hơn, bạn như ở trong đó”.

Tranh của Twombly còn lớn hơn của Rothko nhiều

Tác phẩm Untitled của Twombly có chiều rộng 468cm và chiều cao 317cm, bất cứ ai đứng trước bức tranh này, cũng sẽ có cảm giác bị nó nuốt chửng; dùng cọ để chinh phục được kích thước như vậy, đó là một sự kì vĩ của người hoạ sĩ.

Tác phẩm nghệ thuật đương đại nhìn sơ qua thấy rất đơn giản

Đơn giản, nhưng sẽ không bao giờ hiểu được nó, nếu chúng ta không chịu nhìn từ nhiều góc độ lớn hơn.

Cũng như vậy, tranh của Cy nếu nhìn từ những đứa trẻ trong gia đình thì nhà ai cũng có vô khối bức tương tự, hay đến cửa hàng văn phòng phẩm có nhiều bút màu thì sẽ nhìn thấy ngay tác phẩm như thế này; và khi đó chúng ta không thể hiểu nổi tại sao bức Untitled lại có giá 75 triệu đô la.

Tôi đã từng đối mặt với tác phẩm của Twombly trong một cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại ở Rome. Tranh của ông gây nên cho tôi sự sửng sốt. Nhưng để hiểu được nó quá khó. Tôi hỏi một nhà phê bình hội hoạ. Và câu trả lời tôi nhận được là, thưởng thức tranh của Twombly cũng giống như đọc tiểu thuyết Ulysses, một tác phẩm văn học kinh điển với sự ẩn dụ về sử thi Odysseus, thủ pháp dòng ý thức và nội dung được nén chặt bằng những sự kiện miên man trôi theo suy tưởng của các nhân vật.

Đây chính là chìa khoá để xem tranh Twombly

Như vậy, điều cơ bản đầu tiên để tôi hiểu được tranh của Twombly, là phải tìm hiểu về con đường nghệ thuật mà ông đã trải qua.

Chiến tranh WW2 nổ ra, những người theo chủ nghĩa siêu thực châu Âu đã đến Hoa Kỳ, vừa là để trốn tránh Đức Quốc xã, vừa là tìm kiếm sự nghiệp cho bản thân. Vào thời điểm đó, các hoạ sĩ Trường New York đã định hình trường phái “Tranh hành động – Action painting”.

Năm 1950 Twombly chuyển từ Virginia đến New York để học hội hoạ. Tại đây ông gặp Rauschenberg, hai người cùng chung quan điểm nghệ thuật lịch sử lãng mạn. Rauschenberg khuyến khích Twombly theo học Đại học Black Moutain danh tiếng.

Twombly bắt đầu ảnh hưởng Franz Kline và Robert Motherwell, hai bậc thầy của chủ nghĩa trừu tượng. Những bức vẽ đầu tiên, Twombly thể hiện rất rõ bóng tối và ánh sáng qua hai màu đen trắng, sơn màu phủ dày, nét vẽ giống thư pháp, độ tương phản rõ ràng, đó là phong cách trừu tượng điển hình của Kline.

Trong tác phẩm Untitled cũng vậy, đặc biệt Cy phủ màu sơn rất dày, các lớp thấm vào nhau, thay vì phong cách vẽ màu chồng lên màu thông thường. Mặc dù Untitled là bức chân dung mang đầy đủ phong cách của Twombly, nhưng vẫn còn đó những hương vị của Kline và Motherwell.

Hoa Kỳ thập niên 1940-50, chủ nghĩa nhân văn được coi là giá trị của tự do, nó được các nghệ sĩ ca ngợi và theo đuổi. Nhưng các triết gia thời đó vẫn cho rằng, chủ nghĩa nhân văn phải được xây dựng bởi một hệ thống tư tưởng cụ thể trong lịch sử, nó không phải là thứ mà nghệ sĩ thoải mái sáng tạo muốn làm gì thì làm.

Đó là lí do để năm 1952, Twombly quyết định lên đường đi tìm chủ nghĩa nhân văn, xây dựng cho mình một nền tảng triết học về tự do trong sáng tạo. Twombly đi khắp thế giới, ông tìm đến nền văn minh phương Tây, nơi có những bí mật lịch sử bị chôn vùi bởi những triết gia cổ đại, khai quật nó lên để xây dựng cho mình một hệ thống tư tưởng cụ thể.

Cùng với Rauschenberg, Twombly thực hiện cuộc hành trình Địa Trung Hải, họ đến Bắc Phi, Tiểu Á, Afghanistan, Yemen, Hy Lạp, Ai Cập, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Pháp, cùng nhiều quốc gia châu Âu khác. Trong hành trình đó, Twombly không chỉ hoàn thiện quan điểm triết học, mà ông còn gặt hái được vô số những câu chuyện tuyệt vời và những tác phẩm nghệ thuật kinh điển trong chủ nghĩa cổ điển và các kiệt tác nghệ thuật thời kì phục hưng.

Twombly dành tình yêu điên cuồng với chủ nghĩa nhân văn, với những lí tưởng của chủ nghĩa cổ điển tồn tại ở các quốc gia phương Tây. Nếu như New York tượng trưng cho một thế giới mới mẻ đầy sức sống, thì Rome là trung tâm của nghệ thuật cổ điển, là cái rốn của chủ nghĩa nhân văn. Ý là nơi Twombly tìm thấy ngôn ngữ nghệ thuật của mình trong một khung cảnh đầy rẫy những mảnh vỡ lịch sử và văn hoá.

Năm 1957, Twombly chính thức rời New York, ông chuyển đến Rome, lấy vợ, mua một căn biệt và một khu vườn rộng, thành lập xưởng vẽ, bắt đầu theo đuổi con đường nghệ thuật lãng mạn với thần thoại cổ điển châu Âu và nền tảng triết học là chủ nghĩa nhân văn của thế giới phương Tây.

Khác với đa số các hoạ sĩ chúng ta thường thấy, Cy hoàn toàn từ bỏ bất cứ hình ảnh quen thuộc nào mà người bình thường nhìn vào hiểu được ngay. Ông không chấp nhận sao chép cắt dán thế giới tự nhiên hay hình ảnh từ cuộc sống vào bức tranh của mình; nghệ thuật của Twombly giống như một khái niệm, một bài thơ trữ tình được viết bằng ngôn ngữ hư không, một bản nhạc được tích hợp trong màu sắc.

Ví dụ bức vẽ “Leda và thiên nga” dựa trên câu chuyện thần thoại Hy Lạp nổi tiếng. Trong tác phẩm của Twombly, chúng ta không hề thấy nàng Leda xinh đẹp, cũng chẳng thấy bóng dáng thiên nga trong bức tranh này. Với những đường nét lộn xộn và bố cục lan man đặc trưng của mình, Cy cuốn người xem vào một mớ hỗn độn của những bụi cây rối rắm và những chiếc lông vũ không giải thích được, đây là một trong số những bức vẽ thành công nhất. Cy vẽ tổng cộng 6 bức về Leda và thiên nga đều với giá trên 70 triệu đô la mỗi bức.

Trong bức tranh có tên “Leda và thiên nga ở Rome”, Cy không vẽ hình ảnh mĩ nữ xinh đẹp và dâm đãng quấn lấy thân thể thiên nga, thay vào đó, ông trộn các phương tiện hội hoạ khác nhau, tạo nên một loại hành vi hội hoạ bạo lực, thiên nga bị xé nát vụn thành từng đường nét, sau đó sử dụng một số màu sắc va chạm để hướng mắt chúng ta vào một vòng xoáy.

Các vết xước mạnh và các đường nét ngoằn ngoèo bay ra tứ phía, một bộ phận sinh dục mờ nhạt và một trái tim màu đỏ xuất hiện trong bức graffiti, nó tái hiện cảnh Zeus biến thành thiên nga hãm hiếp Leda, bức tranh đầy đam mê, hỗn loạn và bùng nổ.

Tranh của Twombly luôn có rất nhiều khoảng trống

Khác với Rothko hay các hoạ sĩ khác là màu được phủ kín, thì tranh của Twombly để trống rất nhiều, như bức vẽ Untitled ngoài những đường xoắn ốc sơn đỏ, thì phần nền trống quá nhiều, điều đó làm cho vết sơn có cảm giác như rất mỏng. Nếu chỉ nhìn Untitled trên màn hình điện thoại, ai cũng nghĩ đó là những nét nguệch ngoạc vụng về của con trẻ một hai tuôi.

Với những bức vẽ chì, cảm giác như dấu vế chì màu vụng dại để lại, những vết ấy lang thang một cách uể oải trên khung vẽ. Twombly cũng luôn viết chữ rất xấu trên tác phẩm.

Nhìn thoáng qua những nét vẽ hay chữ viết như thế, trên quan điểm hội hoạ và thư pháp, thực sự xấu hổ cho người hoạ sĩ. Nhưng tất cả đều có ý đồ và tính toán cẩn thận, nó liên kết với một câu chuyện thần thoại cổ điển, thể hiện những chi tiết rất tinh tế và tỉ mỉ.

Untitled còn được Cy mở ngoặc là Bacchus

Bacchus là thần rượu trong thần thoại Hy Lạp, trong số 12 vị thần trên đỉnh Olympia thì Bacchus là vị thần có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người Hy Lạp cổ đại.

Những vết sơn xoắn ốc giống như những chùm dây nho, nó mang lại sức mạnh và niềm vui sảng khoái, nhưng cũng rất cuồng loạn giống như vòng lửa. Toàn bộ câu chuyện của thần Bacchus được kể lại thật hấp dẫn.

Hình dạng tròn trong tác phẩm này là một chủ đề mà Twombly đã nhiều lần khám phá trong nghệ thuật, chẳng hạn như các bức tranh “Bảng đen” chỉ duy nhất sáu dãy vòng tròn nhưu phấn vẽ trên nền bảng đen, nhưng lại khắc hoạ được toàn bộ thành phố New York của Hoa Kỳ.

Nếu nhìn thoáng qua, thì những vòng lửa xoắn dây nho giống như hoạ sĩ dùng ngón tay quết vào sơn đỏ để vẽ, những giọt đọng nhỏ trên khung tranh tựa giọt máu và giọt rượu ai cũng nghĩ đó là móng tay vạch lên. Nhưng tất cả đều là cọ. Quá khó để tạo được hình ảnh như vậy, bức tranh không thể sao chép lại, nó chỉ có duy nhất, điều đó càng tăng thêm giá trị.

Roland Bach khi xem Untitled đã phải thốt lên rằng: “Twombly đang vẽ trên vải bằng ngón tay và móng tay nhúng trực tiếp vào sơn. Và những gì hoạ sĩ lưu lại trên vải, cũng được hoạ sĩ lựa chọn cẩn thận, như thể anh đang tạo ra một cảm giác run rẩy, rắc những hạt mưa từ đêm qua, những con ong say rượu rơi trúng trái tim hoa mẫu đơn”.

Đúng vậy: tranh của Cy ẩn chứa những câu thơ

Nhiều nhà phê bình nghệ thuật đã giải mã tính chất thơ trong tác phẩm của Twombly, có thể nói, tất cả bức vẽ, thơ đã tuôn trào không ngừng nghỉ. Twombly chịu ảnh hưởng sâu sắc những vần thơ của Olsen, ảnh hưởng đến mức ám ảnh, nó thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ hội hoạ.

Twombly là hoạ sĩ vẽ nguệch ngoạc

Cy nói: “Mỗi nét vẽ đều chứa đựng câu chuyện lịch sử riêng mà tôi không cần phải giải thích”. Đúng vậy, người nghệ sĩ được biết đến với những bức vẽ graffiti khổng lồ, ông gầy như im lặng về công việc của mình suốt một thế kỉ, tranh của ông thì quá “ồn ào” nhưng ông lại ẩn sau nó như một ẩn sĩ.

Dù nét vẽ ngây ngô, nguệch ngoạc, lộn xộn, nhưng tranh của Twombly bất cứ nét nào cũng được vẽ rất cẩn thận, khả năng kể chuyện tuyệt vời đầy chất thơ nhạc, tất cả những điều đó mang lại sự sang trọng cho tác phẩm.

“Phong cách nguệch ngoạc” của Twombly, có nguyên do từ ông có thời gian làm sĩ quan giải mã trong quân đội, một công việc đòi hỏi phải tốc kí rất nhanh các bức điện tín, nên trong tác phẩm của ông đều hiện rõ những kĩ thuật giải mã bậc thầy.

Bằng tố chất của chuyên gia mật mã, Twombly xuyên qua thời gian, xuyên qua không gian, xuyên qua kí ức, đồng thời đưa con mắt khám phá kể lại câu chuyển của những tác phẩm văn học cổ điển; đó là lí do để Twombly trở thành hoạ sĩ uyên bác nhất.

Sưu tầm

Họa sĩ Đỗ Quang Em qua đời: Ngọn đèn dầu đã tắt

TTO – Họa sĩ Đỗ Quang Em trút hơi thở cuối cùng tại TP.HCM vào tối muộn 3-8 do tuổi cao sức yếu, thọ 79 tuổi. Ông dành trọn cuộc đời theo đuổi trường phái cực thực và đã tạo ra những tác phẩm gây ấn tượng giới sưu tập quốc tế.

Chân dung tự họa của họa sĩ Đỗ Quang Em

“Đỗ Quang Em là một trong những họa sĩ đặt nền móng quan trọng cho mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới. Dù thời gian sau này họa sĩ Đỗ Quang Em không đủ sức khỏe để sáng tác nhiều, nhưng sự ra đi của ông đã để lại khoảng trống cho giới nghệ sĩ” – họa sĩ Siu Quý, phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, thể hiện sự đau buồn sau khi biết tin.

Họa sĩ Đỗ Quang Em sinh năm 1942 tại tỉnh Ninh Thuận. Năm 1965, ông tốt nghiệp Trường quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Gia Định và từ đó tập trung sáng tác thể loại cực thực (hyperrealism). Tranh Đỗ Quang Em mang đến một khung cảnh ấm cúng và gợi ra cảm giác nồng nàn, nhung nhớ cho người thưởng lãm.

Năm 1995, Đỗ Quang Em khiến giới mỹ thuật xôn xao với bức tranh Ấm và tách trà được bán giá 50.000 USD tại phòng tranh Galerie La Vong ở Hong Kong.

Tranh của ông được giới sưu tập quốc tế ưa thích, tập trung vào những chủ đề đơn giản như bộ chén ấm trà, đồ dùng dân dã trong đời sống sinh hoạt và chân dung phụ nữ (người mẫu trong tranh cũng chính là vợ ông).

Tác phẩm Chân dung vợ họa sĩ

Nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt từng nhận xét: “Đỗ Quang Em là một họa sĩ của đời sống thường nhật, tâm hồn ông thuộc về thế giới đó, một thế giới tĩnh lặng, rực sáng ở bên trong, long lanh mà không hào nhoáng…

Hội họa của ông định vị ra các nhân vật, các đồ vật, nhưng qua tài nghệ của ông, ông lại dành sự xác nhận về chúng cho người xem. Và có thể vì lẽ đó, cái tồn tại như những cái bóng của sự thật, ẩn hiện chập chờn trong sáng tối thời gian, không gian của nội tâm, và sức hút nằm ở những lời giải dường như không bao giờ chính xác”…

×

×

Đỗ Quang Em sinh ra trong một gia đình làm nghề nhiếp ảnh. Thuở thơ ấu, ông đã được tiếp xúc với các kỹ thuật sáng tối, bố cục đặc trưng của ảnh chụp. Thẩm mỹ trong tranh ông cũng phần nào chịu ảnh hưởng từ đó.

Đỗ Quang Em là bậc thầy chơi đùa cùng ánh sáng và bóng tối. Người xem có thể nhận ra nguồn sáng trong tranh ông thường xuất phát từ một ngọn đèn dầu. Trong cái leo lắt của ngọn bấc, ông phô diễn tâm tình của mình, đẩy cảm xúc đi từ tù mù đến đặc quánh, khiến nhân vật/đồ vật rực rỡ nhưng cũng cho phép họ được rút lui về cõi nội tâm sâu thẳm.

Tác phẩm Tĩnh vật 1

Năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton, trong chuyến thăm Việt Nam, đã nhắc đến việc tranh họa sĩ Đỗ Quang Em được giới thiệu tại nhiều triển lãm quốc tế như một minh chứng sống động cho quá trình toàn cầu hóa.

Họa sĩ Đỗ Quang Em cũng là người có cái nhìn “ngược đời” về chuyện chép tranh. Tác phẩm của ông bị sao chép, làm giả rất nhiều trên thị trường. Thế nhưng, khi được hỏi về vấn đề này, ông lạc quan: “Mình có hay, người ta mới chép. Trên con đường tôi đi, nay đã có thêm bằng hữu. Như vậy, tôi không còn cô đơn nữa”.

Đã hơn 15 năm nay, người họa sĩ tài hoa ít sáng tác dần vì tuổi già, tay run. Vẽ cực thực như Đỗ Quang Em vốn dĩ đòi hỏi nhiều bút lực và khả năng quan sát tinh tế. Cuộc đời ông để lại sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong dòng tranh cực thực, vậy nên, dù ngọn đèn sinh mệnh đã tắt nhưng ngọn đèn hội họa thì vẫn cứ sáng mãi.

Hình ảnh  —  Posted: Tháng Tám 4, 2021 in Trang Chủ

LẠM BÀN VỀ “VẼ NHƯ ẢNH”

Posted: Tháng Sáu 25, 2021 in Trang Chủ

LẠM BÀN VỀ “VẼ NHƯ ẢNH” THÔNG QUA TÁC PHẨM MONA LISA SMILE CỦA LENG JUN

Lê Thế Anh

“Vẽ như ảnh” là cách mà người Việt dùng để khen/chê những bức tranh cực thực. Quan niệm về phương pháp sáng tác của trường phái này luôn là đề tài tranh luận của các hoạ sĩ và người yêu tranh. Nhân đây, mượn bức tranh Mona Lisa Smile của Leng Jun làm ví dụ.

1. Khá nhiều hoạ sĩ Việt Nam, thậm chí thành danh cho rằng: vẽ như thế này thì vẽ làm gì, như một người thợ cần mẫn làm thay công việc máy ảnh… hơn là một nghệ sĩ.

Thế nhưng:

   Trường phái cực thực – Hyperrealism xuất hiện từ những năm 1960 với hàng loạt hoạ sĩ nổi tiếng như Marilyn Minter, Alyssa Monks, David Kassan… cùng các tác phẩm gây kinh ngạc về khả năng của con người, không thể nói là vô giá trị.

   Bản thân hoạ sĩ Leng Jun (1963) là phó chủ tịch Học viện nghệ thuật Vũ Hán, phó chủ tịch Hội nghệ sĩ tỉnh Hồ Bắc, thành viên của Hiệp hội sơn dầu Trung Quốc, hoạ sĩ cấp 1 quốc gia… luôn được mời thị phạm ở các học viện, đại học mỹ thuật trong nước và quốc tế… cũng như có nhiều tác phẩm xuất sắc trong các bảo tàng đương đại… không thể nói rằng ông ấy sáng tác như vậy là vô bổ.

2. Chúng ta vẫn hay truyền tai nhau rằng nghệ sĩ thì phải thăng hoa, thậm chí điên một chút, ngông cuồng một chút… để sáng tạo. Chuyện sinh viên trường mỹ thuật để tóc dài, quần áo te tua, rít thuốc lào, rượu đút túi… và thích vào học lúc nào thì vào là chuyện không hiếm. Ngược lại, việc không thể thị phạm trực tiếp cho sinh viên cũng như không có giáo trình giảng dạy khoa học… của giảng viên các trường mỹ thuật cũng là chuyện không lạ.

Trong khi:

   Học viện Nghệ thuật Trung Quốc mỗi năm có khoảng 80.000 thí sinh dự thi nhưng chỉ lấy 1.600 sinh viên. Học viện Mỹ thuật Trung ương ở Bắc Kinh có hơn 40.000 thí sinh nhưng chỉ nhận 700 đến 800 sinh viên. Học viện Mỹ thuật Trung ương tổ chức các kỳ thi của mình mỗi năm tại 5 địa điểm thi: Bắc Kinh, Thanh Đảo, Trịnh Châu, Thành Đô, Thâm Quyến và thường phải thuê các trung tâm hội chợ, nhà thi đấu thể thao có sức chứa hàng chục nghìn người để tổ chức thi tuyển. Các sinh viên mỹ thuật phải thi hai ngày, với 6 giờ để vẽ, ba giờ cho lý thuyết màu và ba giờ cuối cùng để vẽ phác thảo, với tiêu chuẩn rất chuyên nghiệp và cực kỳ khó nhưng trên hết vẫn là vẽ hiện thực.

   Khi vào trường mỹ thuật, sinh viên chủ yếu được đào tạo trên cơ sở lấy hiện thực làm thước đo năng lực, tiêu chí đánh giá.

Chúng ta vẫn hay phàn nàn là người Trung Quốc ồn ã, nhưng khi tôi xem một buổi thị phạm của Leng Jun trước sinh viên thì tôi thấy họ cực kỳ trật tự, trên tay luôn là máy quay, sổ ghi chép… rất nghiêm túc. Điều này thật hiếm thấy ở ta.

3. Chúng ta có vẻ như rất đố kỵ khi cho rằng bức tranh Mona Lisa Smile của Leng Jun đấu giá đạt 300 tỷ đồng là một động thái rửa tiền, rằng Trung Quốc nhiều tỷ phú.

Thật ra:

   Ấn Độ là nước đông dân sau Trung Quốc nhưng họ lại có những giầu nhất Châu Á (Mukesh Ambani và Gautam Adani). Nhưng mua tranh nội địa và làm được như Trung Quốc thì Ấn Độ không có số. Tất nhiên Việt Nam cũng vậy. Có vẻ như tu duy, tầm nhìn và cả lòng tự tôn dân tộc của các tỷ phú Trung Quốc hơi đặc biệt chăng?

4. Chúng ta chưa từng nhìn trực tiếp bức tranh Mona Lisa Smile của Leng Jun mà đã kết luận nó không đẹp, thậm chí có hoạ sĩ còn ám chỉ cách sáng tác như vậy là thiếu sáng tạo, không nghệ sĩ,

Trong khi:

   Chính chúng ta luôn dặn ai đó mua tranh hãy đến ngắm trực tiếp bức tranh để biết được giá trị thật. Chúng ta cũng biết, một bức tranh xem qua ảnh, qua facebook là hoàn toàn khác xa ngoài đời. Vậy thì chúng ta có cực đoan không khi dám khẳng định một bức tranh mà người ta muốn chiêm ngưỡng tận nơi, thậm chí soi cả kính lúp để thấy hết vẻ đẹp của tác phẩm là vô hồn, vô giá trị.

   Thử đặt một câu hỏi nếu bây giờ, hội hoạ chỗ nào cũng là nghệ thuật ám thị, là những tấm toan trắng, là một quả chuối dán lên tường, thậm chí là một khoảng không chả có gì cả… thì hội hoạ còn cái gì nhỉ?

5. Chúng ta nói, vẽ như Leng Jun thì kém xa hội hoạ phục hưng, là giống ảnh.

Thực tế:

   Hội hoạ thời kỳ Phục Hưng và phong cách cực thực là hai trường phái nghệ thuật khác nhau, cách đặt vấn đề và phương pháp sáng tác là khác nhau. Chúng ta chỉ có thể so sánh nó có những đặc điểm chung – riêng như thế nào chứ không nên nói vẽ cực thực là lối mòn, không bằng Phục Hưng.

   Mặc dù xuất thân từ trào lưu trào lưu Photorealism nhưng mục đích của trường phái Hyperrealist tạo ra những hình ảnh sống động mà đến cả máy ảnh cũng không làm ra được. Bản thân Leng Jun cũng chia sẻ ông mong muốn các tác phẩm của mình tạo được sự rung động đối với người xem, nhất là thông điệp về khả năng vượt trội của con người.

   Nhiếp ảnh và hội hoạ (trong đó có trường phái cực thực) là hoàn toàn khác nhau, đặc biệt là tâm thức sáng tạo của nghệ sĩ, là mối quan hệ giữa đối tượng sáng tác và người sáng tác, là phương thức, quá trình sáng tác; một đằng là khoảnh khắc, một đằng là nghiên cứu kết cấu của đối tượng. Hãy nhìn cách mà Leng Jun vẽ nghiên cứu chì, cách ông vẽ trực hoạ, cách ông sử dụng palet, kỹ thuật cầm bút; cách ông dựng mannequin để nghiên cứu đối tượng… để thấy một khả năng hình hoạ vững vàng, kỹ thuật sơn dầu điêu luyện và cách thức làm việc khoa học, chuyên sâu.

6. Có vẻ như cứ nhắc đến Trung Quốc là chúng ta không thích. Có phải đó là tâm lý một nước nhược tiểu không. Có phải không thích lối vẽ cực thực cũng như cái tư duy “đẽo cầy giữa đường”, phương cách “đi tắt đón đầu” thích bắt chước hơn là sáng tạo, thích adua hơn là chính kiến… khiến chúng ta chả mấy khi làm việc gì đến nơi đến chốn, không nhiều thành tựu và kém phát minh?

Tôi may mắn có tham gia vài workshop quốc tế mới vỡ ra rằng, hoạ sĩ Việt nhà mình vẽ tay bo cực kém, càng không vẽ hiện thực suôn sẻ nếu không nhìn ảnh, tư liệu. Bầy tranh ra giữa hội chợ, thật khó nhận biết đâu là tranh Việt Nam. Trong khi tranh Thái Lan, Ấn Độ, thậm chí Campuchia… nhìn thoáng là ra ngay, trong khi mình cứ tự hào là “đậm đà bản sắc dân tộc”. Ngay cả tranh sơn mài, thứ “dân tộc” nhất của chúng ta, giờ mà xem tranh Nhật Bàn, Trung Quốc… thì ta cũng chả là gì.

Chúng ta có bao giờ tự hỏi lại mình, đào tạo mỹ thuật như vậy, trình độ hoạ sĩ như thế, vai trò hội nghề nghiệp cùng các triển lãm khu vực, toàn quốc vốn vậy… chúng ta làm được gì và sẽ làm gì. Cái sẽ làm gì ấy nó quan trọng cho sự phát triển của chính chúng ta. Nên chăng chúng ta nên tạo cho mình một tâm thế biết tôn trọng các trường phái khác và hãy làm việc say mê, khoa học và tận hiến theo năng lực của mình.

7. Nhân đây cũng xin chia sẻ, nhiều bạn nói, nhìn bức tranh Mona Lisa Smile của Leng Jun thấy ghê ghê, nửa nam nửa nữ… thì đúng ý đồ tác giả rồi đấy. Một tác phẩm phái sinh từ kiệt tác của Leonardo da Vinci với nụ cười bí hiểm mà lại không gây băn khoăn, nhiều chiều kích thì còn gì là giá trị nữa. Chẳng phải sự bí hiểm là điều cuốn hút kỳ lạ của các tác phẩm kinh viện sao. Và Leng Jun đã làm được điều đó.

Giờ thì chúng ta đi vẽ thôi nào.

Lê Thế Anh

VẼ KHÔNG KHÓ LÀM NGHỆ THUẬT MỚI KHÓ

Lê Quảng Hà

Hồi nhỏ nhìn mấy anh Nghệ sĩ tóc dài hippy mê lắm. Giờ mới thấy mấy củ nghệ kiểu đó chẳng cơm cháo gì, chỉ giỏi tán gái.

Lớn hơn chút nữa biết mê gái, thích làm Nghệ thì đi học vẽ. Thày bảo phải vẽ cho đúng! Cố mãi thì vẽ cũng đúng. Hồi đó thấy đồn lớp khác có bạn vẽ còn như làm xiếc, dựng hình bằng cả 2 tay, lại dựng hình từ dưới chân lên. Khiếp! Sau cũng chẳng cơm cháo gì. Phí!

Hồi đó hay mon men ra hàng nước hóng hớt các “Mét”. Cụ này khen cụ kia vẽ đẹp,thèm lắm! Về cố gắng vẽ cho đẹp rồi mang tranh hỏi các cụ. Các cụ phán xanh rờn : “Đẹp thì có đẹp. Nhưng nghệ sĩ phải vẽ như chơi!”

Về nhà lại dùi mài kinh sử, luyện bút. Cuối cùng cũng vẽ được như chơi. Hí hửng, lại mang tranh đến khoe các cụ. Các cụ xoa đầu khen : ” thằng này vẽ có phong cách”. Thế là phổng mũi. Nhưng cũng tốn khối tiền rượu cho các cụ,nhưng mà vui! Sau này mới thấy toàn là trò nhảm nhí ,cũng chim hoa cá gái xướng ca vô loài cả thôi .

Tranh Lê Quảng Hà: 1- Khủng bố hay bị khủng bố. 2- Liên minh

Ra trường rồi, cơm áo chẳng đùa với khách thơ. Cũng nghĩ sẽ tìm việc gì đó phù hợp với khả năng để nuôi đam mê nghệ thuật,nhưng xin việc mãi chẳng đâu nhận. Sau rốt có ông trưởng phòng tổ chức của một công ty mà tôi xin việc, sau khi đọc lý lịch, thấy tôi ghi phần nghề nghiệp : họa sĩ. Ông ta giương mục kỉnh hỏi : tôi chỉ biết có :bác sĩ, nha sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ. Thế họa sĩ thì là cái giống gì? Tôi bẽn lẽn trả lời : cháu làm Nghệ thuật ạ!. Ông ta trợn tròn mắt quát : nghệ thuật mà là nghề à? Mà đi xin việc. Mất thời gian của tôi!

Từ đó tôi sáng mắt ra, chẳng mất công đi xin việc nữa, thế là chuyên tâm vẽ vời.

Bạn bè học vẽ từ nhỏ cũng nhiều, có anh bạn cũng giống tôi chẳng biết làm gì ngoài vẽ tranh. Một hôm anh ta mời qua nhà đãi bia rượu túy lúy, cơm no rượu say anh bạn lôi tranh ra khoe. Chót ăn chót uống, cũng phải nói gì cho phải phép. Xem một vòng kỹ lắm, tôi đành phải buông lời khen : tranh pháo thế này bán tốt đấy!. Mà sau này tranh bạn ấy bán tốt thật, . Nhưng chẳng hiểu sao từ hôm đó bạn ấy cạch mặt mình.

Lại một anh bạn học vẽ khác tâm sự với mình : tôi phải đi buôn đã cho thật giàu mới yên tâm mà làm Nghệ thuật. Sau này bạn ấy rất giàu thật, như hứa bạn ấy quay ra vẽ. Một thời gian bạn ấy cũng mời mình qua xem tranh. Nhà đẹp, rượu ngon tranh to, màu xịn… Rồi bạn bạn ấy cũng muốn mình có lời nhận xét. Thoái thác chẳng được, mình bảo tôi đã mất một bạn thân vì nhận xét tranh rồi, thôi lớn rồi ai làm việc của người đó thôi. Bạn lại bảo : tôi khác, ông ấy khác. Tôi cần nhận xét chân thành của Hà. Nâng lên hạ xuống mãi, rượu vào lời ra, tôi bèn bảo : họa sĩ có 3 việc để làm : 1 làm vì tiền, 2 làm vì danh, 3 làm vì nghệ thuật. Tôi xem mãi mà chưa hiểu bạn làm gì?. Bạn sửng cồ với mình : thế ông làm gì? Đúng là mình cũng cứng họng,âp a, ấp úng một lúc mình bảo : đúng là tôi cũng chẳng quan tâm nhiều đến những thứ đó, hình như tôi chỉ thích tự hành xác mình!. Ôi thôi thế là ” những người tình lại bỏ tôi đi như những dòng sông nhỏ”.

Từ đó tôi thề : không lấy vợ là họa sĩ, không ở cạnh thằng phê bình. Chỉ có người bạn thân đạo diễn nhận xét về tôi: “Hà như đi trên một lưỡi dao cạo thẳng đứng và sắc bén”. Cái này thấy có vẻ hợp hợp.

Nói dông dài vậy để thấy cái sự vẽ cũng dăm bảy đường, nghệ thuật chắc còn phức tạp hơn. Nhưng cũng chẳng đến nỗi mông lung kỳ bí như như tôn giáo.

Gần đây dư luận hoang mang về 2 sự kiện trong giới mỹ thuật :

Sự kiện thứ nhất : một bức tranh chép ảnh của một họa sĩ Tàu đang sống được bán với giá đâu đó đồn là 300 tỷ đồng. Các họa sĩ thì ngơ ngác ước ao thán phục (có lẽ chỉ vì giá tranh). Các nhà sưu tập thì bấm đốt ngón tay nhẩm tính số ngày công vẽ để quy ra bao nhiêu tiền một ngày công? Đó là tôi đoán thế, vì cũng hay bị họ hỏi vẽ 1 bức tranh hết bao lâu? Đúng là vẽ kiểu anh Tàu ấy thì có thể tính được, chứ tôi thì cũng chẳng bí mật hay bí hiểm gì nhưng thực tình chẳng tính được một bức tranh mình vẽ hết bao lâu?

Lại nói về bức tranh 300 tỷ đó, nó có đẹp không? Cô gái trong tranh đó đẹp đấy. Có kỳ công không? Có kỳ công, nhưng chẳng kỳ công bằng ai đó họ khắc cả một đàn voi trên một sợi tóc mà cũng chỉ được gọi là một sản phẩm mỹ nghệ cao cấp mà thôi . Còn tài thì chẳng đáng xách dép cho các cụ thời phục hưng, các cụ cần đếch gì ảnh để chép nhé, chơi thật luôn ? Vậy nên các nhà phê bình phải phủ lên nó một trường phái gọi là cực thực(mà nghệ sĩ tiên phong của trường phái cực thực lại đếch phải anh Tàu, lâu rồi cơ ) . Nói thực nhé với công nghệ bây giờ, một bức ảnh kỹ thuật số chất lượng cao chụp bé đó còn thực hơn nhiều nhiều lần .


Hình 1- Nụ cười của Monalisa – Leng Jun. Hình 2- hs Lê Quảng Hà

Bên Đông Lào tôi có họa sĩ còn khôn hơn cơ, anh ta chụp ảnh in lên toan rồi vờn màu lên trên nhanh hơn nhiều, giá lại rẻ.

Đấy tôi nói thế sẽ có vài ông thách tôi vẽ được như cái ông Tàu kia. Nói luôn : tôi không có đủ kiên nhẫn để mất thời gian vào những việc vô bổ như vậy!

Sự kiện thứ hai : một tác phẩm điêu khắc không khí cũng đã được bán với cái giá cũng kha khá. Khôn như thế, xứ Đông Lào quê tôi đầy. Cụ ông thể luôn : cách đây hơn chục năm, tôi trêu một anh họa sĩ kiêm curator art rất thích ní nuận. Tôi bảo : này ông tôi đang có ý tưởng sẽ tổ chức một cuộc triển lãm tranh trên đài phát thanh tiếng nói Việt Nam đấy . Ông họa sĩ ní nuận vỗ đùi cát đét : “hay, mới lạ, đương đại.” tôi bấm bụng không nhịn được cười phải té nuôn và ngay. Nghĩ cũng chỉ là một trò đùa ác ý cũng đã quên từ lâu, nay thấy chuyện tượng không khí này mang ra kể cho vui thôi.

Kể ra 2 câu chuyện này để thấy rõ sự đối nghịch về cách suy nghĩ : bức tả ảnh của anh Tàu kia tuy có đắt nhưng còn có người thực, việc thực, nhìn thấy được, sờ thấy được. Chứ cái anh không khí kia thì có vẻ giống chuyện vua cởi truồng.

Tôi cho rằng mọi trường phái, chủ nghĩa hay các trào lưu nghệ thuật mới đều được sinh ra từ trong bế tắc theo quy luật “cùng thì tất biến”. Ấy vậy mà rất nhiều các nghệ sĩ trẻ vô cùng mãn nguyện với lời khen đãi bôi của các nhà phê bình là : đã định hình phong cách. Rồi họ già đi, thậm chí đã chết cùng với cái mô típ được gọi là phong cách ấy.

Tôi tâm đắc với cái cái” bồn tiểu ” của Duchamp, tâm đắc cả ” cứt nghệ sĩ ” của Manzoni. Và đặc biệt tâm đắc một tác phẩm của trường phái tối giản được xem ở bảo tàng Pompidou mà tôi quên tên tác giả. Tác phẩm chỉ là 3 bức toan rất to, trắng tinh, chẳng có gì.

Nói đến đây chắc mọi người đã hiểu ý tôi muốn nói đến điều gì? Vâng với tôi trong nghệ thuật cái tinh thần của tác phẩm luôn quan trọng hơn cái hình hài của tác phẩm ấy. Hay nói cách khác cái hình hài cụ thể vật chất của tác phẩm chỉ là cái cớ cho người nghệ sĩ gửi gắm tư tưởng của mình. Thế mới thấy cái bức tả ảnh của anh Tàu chỉ là một cô gái đẹp vô hồn. Còn cái tượng không khí kia thì có vẻ láu cá nhiều hơn. Tầm ấy thì xứ Đông Lào chẳng thiếu anh tài. Các nhà tả ảnh còn tự gọi mình là hiện thực cơ. Còn vẽ dối thì khoác áo tối giản cho sang.

Đúng là thật quá thì chẳng phải là nghệ thuật, dối trá lại mang dáng dấp lừa lọc. Để phân biệt được sự thông minh và láu cá khôn lỏi cũng cần phải có kiến thức.

Lê Quảng Hà

Họa sĩ Bé Ký

Posted: Tháng Năm 14, 2021 in Trang Chủ

Bé Ký, nỗi hoài nhớ niềm vui đã khuất.

Thụy Khuê

Văn chương và hội họa là những nghệ thuật bắt nguồn bằng nét (dessin). Chữ viết khởi từ nét, ngay trong cách viết chữ nho, người ta đã muốn vẽ vũ trụ và con người qua ngôn ngữ. Cho nên, chúng ta không nói quá, khi cho rằng chính dessin mới là nguồn của văn chương và hội họa.


Các họa sĩ thường bắt đầu từ dessin rồi dựa vào dessin mới phóng ra các màu sắc khác nhau. Bé Ký dừng lại ở dessin. Dường như bà đã tìm thấy vùng đất Thánh và dứt khoát ở lại thiên đường nguồn cội của mình. Bà không lớn nữa. Có thể nói Bé Ký -như cái tên lựa chọn có ý tiên định của bà- đã lấy tuổi thơ làm quê hương, dừng lại ở thời điểm hàn vi, ngây thơ (naĩf) trong hội họa và trong đời. Bé Ký là hiện tượng không già, rất độc đáo trong hội họa Việt.

Nếu biết rõ dessin là gì, thì sẽ thấy sự lựa chọn này không dễ dàng, bởi con đường đơn giản bao giờ cũng là con đường khó khăn. Văn mà đạt tới mức không rườm là khó. Vẽ mà đạt tới mức giản dị tối đa không dễ.

Hội họa Bé Ký chỉ thuần túy nét, bà dùng mực Tàu, ở lối vẽ này cứ hoa tay lên là phải thành, phải đạt, không thể sửa. Trước khi vẽ, người họa sĩ phải xong bức họa rồi. Khi ngọn bút bắt đầu là bức tranh kết thúc. Ðây là một quy luật khác thường, vì trong hội họa, trước khi vẽ, có thể họa sĩ chưa biết mình sẽ đi đâu, đường nét và màu sắc sẽ dẫn lối cho họ; cũng như trong văn, ý nọ sọ ý kia, ý trước “đẻ” ra ý sau. Với Bé Ký, sự thể ngược lại: Trước khi vẽ, bức tranh đã phải “xong” rồi, và đặt bút là kết thúc tác phẩm.


Tính chất này của hội họa còn gọi là ngẫu hứng hoặc trực giác, mà cũng là thiền: Trực giác định hình, khi người nghệ sĩ thấy được “ánh sáng”, “ngộ” rồi thì họ hoàn thành tác phẩm. “Ánh sáng” ấy là chất liệu, là nguồn cội của ký họa.

Trong thế giới hội họa của Bé Ký, nhân vật, động vật và tĩnh vật, rọi lọc qua ánh sáng giác ngộ, có những nét hồn nhiên và ngây thơ. Từ con trâu, em bé, đến chiếc xe thổ mộ, cái váy của người đàn bà, chiếc khăn mỏ quạ, tóc vấn đuôi gà… tất cả đều thoát ra một cái gì chân chất, rất lành, rất mộc mạc như chưa từng có lớp sơn màu lòe loẹt nào bay đến làm ô uế, ô nhiễm đi.

Bé Ký trong hội họa cũng như Nguyễn Bính trong thơ, sợ sự trưởng thành; cả hai đều đã cấu tạo nên được vũ trụ quê của riêng mình. Quê mùa như thơ Nguyễn Bính, thế giới người, đồ vật và sinh vật của Bé Ký, hòa hợp với nhau, chung sống với nhau trong khung cảnh điền dã, giản dị, nghèo nàn, sinh động và hạnh phúc.

Người xem tìm thấy nguồn vui tự tại trong tranh, kèm nỗi nhớ nhung vô bờ và nỗi buồn man mác, về những ký ức tuổi thơ không bao giờ trở lại.

Hội họa Bé Ký thể hiện niềm vui đã khuất, hiện tại vô tình dẫm lên mà không biết, không hay.

Người Việt phần đông thích tranh Bé Ký, treo tranh Bé Ký, nhưng có mấy ai tìm thấy ở mỗi bức họa của Bé Ký, là một mất mát của con người. Chúng ta bán tuổi thơ đi để mua tuổi già, phá thiên nhiên, đổi thôn quê để chuốc lấy thành thị, chúng ta giã từ niềm vui vào đời để bước dần về nỗi buồn cõi chết.

May có người nghệ sĩ giữ lại cho chúng ta ít nhiều kỷ niệm.

Thụy Khuê

PHÂN ƯU

Posted: Tháng Năm 14, 2021 in Trang Chủ

Màu Sắc Dân Tộc Qua Hội Họa Bé Ký

Huỳnh Hữu Ủy

Trong sinh hoạt hội họa Sài Gòn trước đây, có một họa sĩ lụa với tài năng hết sức đặc biệt cần được ghi nhận với lòng ưu ái của chúng ta: nữ họa sĩ Bé Ký. Sinh năm 1938 ở Hải Dương, Bắc Việt, Bé Ký không được học ở một trường đào tạo mỹ thuật hay mỹ nghệ nào, chỉ do lòng mê vẽ mà trở thành họa sĩ. Tuy nhiên, bà cũng được các họa sĩ Trần Đắc, Trần Văn Thọ, Văn Đen chỉ dẫn ít nhiều ở các xưởng vẽ riêng của những họa sĩ này.

Khoảng trước năm 60, Bé Ký đã được nhiều người biết đến bởi một đời sống khá đặc biệt, với vóc dáng của một thiếu nữ đi lang thang trên lề đường, ghi lại những sinh hoạt bình dị của đời sống qua cây cọ vẽ. Và bà ngày càng được chú ý nhiều hơn vì một bút pháp độc đáo, riêng biệt. Năm 1971, ngoài 30 tuổi, đã bày tranh tới 16 lần và lần nào cũng thành công, tranh bán rất chạy và được nhiều người chú ý vì một thế giới giản dị, mộc mạc, rất đáng yêu mến.

Bé Ký bày phòng tranh riêng đầu tiên của mình ở cơ sở Pháp Văn Đồng Minh Hội (Alliance Francaise) khai mạc ngày 6-12-1957 với sự bảo trợ của ông René de Berval, người chuyên viết bình luận mỹ thuật cho báo Journal d’Extrême Orient và tạp chí France d’Asie ở Sài Gòn.

Nhiều người Âu Châu sưu tập tranh Bé Ký, một phần vì tính chất “hương xa,” nhưng phần chủ yếu là vì cá tính của tranh. Bà có tranh trong bộ sưu tập của Nhà bảo tàng Á Châu Thái Bình Dương, Ba Lan.

Từ hồi năm, sáu tuổi Bé Ký đã thích vẽ, thấy gì cũng quệch quạc tràn lan, đến chừng 12, 13 tuổi đã bắt đầu vẽ được dễ dàng những hình con chim, con cò, các loại gia súc khác, hay cảnh đứa bé chăn trâu đang dẫn trâu về nhà vào buổi xế chiều bên lũy tre làng. Bé Ký say mê quan sát để vẽ, tự rèn luyện như thế nên chỉ vài năm sau đã vẽ hoạt họa rất giỏi. Ở tranh Bé Ký, thường là một cảnh sinh hoạt tươi sáng, một nụ cười hài hòa, một đời sống thanh thản trong nhịp điệu bình thường: người đàn bà bán hàng rong, bán trái cây, người đàn ông đẩy chiếc xe bán phở dạo giữa cơn gió lạnh của một buổi chiều mùa đông. Hay hình ảnh của một ông cụ già chống gậy đi qua đường, người phu xích lô đang gò lưng trên chiếc xe, mấy đứa trẻ chơi đá cầu, đá kiện, đánh bi đánh đáo trên hè phố…

Có dịp ra ngoại thành vào những ngày nghỉ, nhìn ngắm những cảnh tượng miền quê, cảnh trâu, bò gặm cỏ, Bé Ký chăm chú quan sát, lấy ký họa, rất nhiều ký họa, để rồi sẽ đúc kết thành tranh sau nàỵ Việc quan sát đối tượng rồi lọc lấy đường nét là công việc chủ yếu khi muốn vẽ, khả năng quan sát và thanh lọc này càng cao thì sự thật nghệ thuật càng được nâng lên. Giữa hàng ngàn tấm tranh của Bé Ký, tranh vẽ nét bằng mực tàu, tranh tô màu trên lụa, tranh sơn mài, dĩ nhiên là tranh sao đi chép lại cũng khá nhiều vì nhu cầu thương mãi, giữa núi tranh đồ sộ ấy, nếu chọn lại thực kỹ, chúng ta sẽ có vài tấm thực hiện hết sức tài tình như Đàn nguyệt, Mẹ con, Đàn độc huyền, Đàn cò, Bà cháu có thể xem là tuyệt kỹ.

Định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1989, hiện nay Bé Ký sống cùng chồng là họa sĩ Hồ Thành Đức và gia đình ở thành phố Westminster, Californiạ Vẫn tiếp tục làm việc đều đặn, và thường xuyên bày tranh với các họa sĩ quen biết trong sinh hoạt cộng đồng nơi đâỵ Bày tranh nhiều lần ở các thành phố Garden Grove, Westminster, San Diego, Irvine, Los Angeles… Cũng có đôi dịp bày tranh chung ở các tiểu bang khác như Virginia, Florida, Maryland. Năm 1995, Bé Ký được mời tham dự cuộc triển lãm quốc tế Women: Beyond Borders. Cuộc triển lãm này sẽ di chuyển qua nhiều quốc gia trong vòng năm năm, từ 1995 đến 2000, rồi sẽ trở về Hoa Kỳ để được lưu giữ như một bộ sưu tập thường xuyên. Cuộc triển lãm được thực hiện với mục đích trình bày tiếng nói của những nghệ sĩ phụ nữ có tính toàn cầu, trong tinh thần đối thoại, thông cảm và sáng tạọ Các nghệ sĩ gốc gác từ các quốc gia Mỹ, Do Thái, Kenya, Úc, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Điển, Phần Lan, Pháp, Cu Ba, Mễ Tây Cơ, Á Căn Đình, Nhật Bản, Việt Nam, những nghệ sĩ này hiện nay đang sinh sống ở Hoa Kỳ và họp nhau trong cuộc triển lãm để tạo nên một cuộc đối thoại và thông cảm vượt qua màu da và biên giới quốc giạ Như các họa sĩ và các nhà tạo hình khác dự cuộc triển lãm, Bé Ký nhận một chiếc hộp gỗ vuông mỗi chiều khoảng chừng hơn gang tay rồi biến chế bằng cách ghép thêm các nguyên liệu khác bằng kẽm, gỗ và giấy rồi vẽ lên đấy mấy hình ảnh đặc trưng của riêng mình, nổi bật lên là hình ảnh người thiếu nữ Việt Nam mềm mại, nhẹ nhàng, thon thả, rất được chú ý trong lần trưng bày khai mạc ở Santa Barbara Contemporary Arts Forum, tại Santa Barbara, California vào tháng 11 năm 1995.

Xem tranh Bé Ký, hẳn rằng ai cũng thấy ngay là Bé Ký rất thành công ở chỗ, trong suốt hơn 40 năm sống đời một họa sĩ, Bé Ký đã xây dựng được một thế giới riêng biệt đầy cá tính ngay từ những bước đầu tiên, rồi từ đó bà cứ bước đi một cách vô cùng vững tin ở cách nhìn và sự chọn lựa của mình. Bút pháp của Bé Ký thuộc về đại chúng, đó là một thứ nghệ thuật của quần chúng. Như vậy, chẳng có gì đáng tiếc khi nghệ thuật của Bé Ký chỉ ngừng ngang mức dân gian mà không đi xa hơn nữạ Nếu chúng ta đã có những nguồn tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, tranh đỏ Kim Hoàng, tranh làng Sình ở Huế, thì chúng ta còn có thêm một nguồn tranh dân gian quý giá không kém chính là thế giới tranh Bé Ký. Dĩ nhiên, tranh Bé Ký cao và thơ mộng hơn nhiều vì nó là hơi thở thuần nhất của một nghệ sĩ chân thành và tài hoa, độc đáo và sáng tạọ Một giòng tranh dân gian của đại chúng như tranh Đông Hồ, thì hoàn toàn ngược lại, xóa hẳn cá tính vì được hình thành bằng nhiều thế hệ qua thời gian và lịch sử.

Tôi chỉ muốn nói tranh Bé Ký dừng ngang mức dân gian, bởi vì bà không được đào luyện về kỹ thuật và ý thức hiện đạị Hơn nữa, bà cũng không có nhu cầu gì về một thứ ý thức nghệ thuật hiện đạị Mà chính vì thế, bà lại như có được một lợi thế riêng biệt của mình: tạo được một thế giới rất đẹp, thấm đẫm tâm hồn và hương hoa dân tộc. Tôi chỉ lấy một thí dụ rất nhỏ, ngày tết mà có được một bức tranh Bé Ký vẽ cô thiếu nữ cầm một cành mai vàng, nhánh hồng đào hay đội một giỏ sen, em bé thả diều cùng tiếng sáo vi vu trên thảm cỏ xanh vô tận của đồng quê, cảnh mấy đứa bé đang đì đùng đốt pháo hay chọi gà, chiếc xe thổ mộ chở đầy hoa v.v… để treo lên bức tường hay bức vách đất vừa quét lại một làn vôi mới thì căn nhà ngày Tết sẽ vui hơn và ấm áp hơn. Tranh Bé Ký treo nơi căn nhà của một người trí thức, trưởng giả, hay nơi một căn nhà bình dân, nơi một căn phòng sang trọng, thanh nhã hay giữa một mái tranh nghèo thì đều như rất thích hợp miễn là phải đặt ở một chỗ thích tối thiểụ Tranh Bé Ký thân thiện, dễ chịu và ấm áp với hết thảy mọi người.

Hội họa Bé Ký cho chúng ta thấy một điều rất hiển nhiên là có những giá trị dân gian vẫn rất quý giá, cần phải được giữ gìn và bảo vê.. Nếu đi tìm một tiếng nói của dân tộc thì hội họa của Bé Ký chính là một trong những tiếng nói đó, đầy bản sắc và có thừa tư cách để phát biểu. Tôi muốn gợi lại một kinh nghiệm tương tự ở một dân tộc có nhiều gần gũi với chúng ta là Nhật Bản. Người Nhật Bản rất trân quý những giá trị dân gian mà họ xem là đặc thù của dân tộc, họ giữ gìn những tài liệu sống động về cuộc đời, sinh hoạt và tác phẩm của một nghệ sĩ gốm, một người thợ làm giấy bản, một nghệ nhân dệt lụa… Dĩ nhiên, những người nghệ sĩ dân gian ấy đều đã đạt đến một mức độ tinh hoa đáng kể, và người Nhật đã nói về những người nghệ sĩ ấy như là các nhà bảo tàng sống của dân tộc họ về mỹ thuật và dân tộc học.

Trở lại với Bé Ký, bình tâm xem xét, chúng ta sẽ thấy Bé Ký chính là những người nghệ sĩ dân gian điển hình ấy của dân tộc. Nếu ngày nay, chúng ta kịp thời tiến hành những công trình tổng kết về Bé Ký, thì chắc chắn các thế hệ mai hậu sẽ được thừa hưởng một di sản văn hóa đáng kể.

Bé Ký là một khuôn mặt nghệ thuật đầy bản sắc suốt hơn bốn thập niên qua, với một cuộc hành trình đầy đam mê và rất thơ mô.ng. Trước đây, Bé Ký nổi bật với các hoạt động vui tươi và đầy sinh khí của bà ở Sài Gòn, ở miền Nam. Ở miền Bắc, người ta không biết đến Bé Ký. Nhưng ngày nay, tình hình đất nước đã đổi khác, đã trở thành một thể thống nhất, Bé Ký phải thuộc về toàn dân tộc, chứ chẳng thể của riêng ai. Chỉ còn một thời gian rất ngắn, chỉ một năm nữa thôi thì chúng ta sẽ bước qua một thế kỷ mớị Đã đến lúc có thể làm một bảng tổng kết các hoạt động của thế kỷ. Là một người yêu mến nghệ thuật, để tâm đến các hoạt động trong lãnh vực này suốt cả mấy mươi năm qua, tôi muốn nhắc mọi người rằng Bé Ký cũng là một khuôn mặt rất đặc biệt của nửa thế kỷ vừa qua, đó là một phụ nữ đáng nhớ vì những đóng góp đầy giá trị nhân văn và dân tộc rất độc đáo và đặc sắc. Không vươn đến một tầm mức cao của trí tuệ được tỏa sáng, Bé Ký chỉ mở rộng bằng cái tài hoa bẩm sinh để đến với mọi người bình thường trong một tình cảm ấm áp và nhân hậụ Sự nghiệp của Bé Ký cũng là một đóng góp đáng kể vào sự nghiệp to lớn về văn hóa, văn nghệ của toàn bộ dân tộc vậy.

Nỗi niềm với sơn mài

Posted: Tháng Mười 17, 2019 in Trang Chủ

Họa sĩ Nguyễn Văn Trung – nỗi niềm với sơn mài

 

Ở tuổi 81, họa sĩ Nguyễn Văn Trung – người hiếm hoi còn lại của thế hệ đầu sơn mài Mỹ thuật Sài Gòn – vẫn một trăn trở lớn với nghệ thuật sơn mài Việt.

Sưu tầm cổ vật cũng là một đam mê của họa sĩ Nguyễn Văn Trung /// Ảnh: Nguyễn ĐìnhSưu tầm cổ vật cũng là một đam mê của họa sĩ Nguyễn Văn Trung – Ảnh: Nguyễn Đình
Họa sĩ Nguyễn Văn Trung hiện sống tại Mỹ, mỗi năm ông dành vài tháng về VN rong chơi, thăm bằng hữu, tán chuyện sơn mài. Thật may mắn gặp được ông trong chuyến trở về lần này, vẫn một niềm đam mê bất tận cùng sơn mài, ông đã dành thời gian chia sẻ câu chuyện thú vị xoay quanh nghề – nghiệp, và cả những khiếm khuyết cần khắc phục của sơn mài VN.
Họa sĩ Nguyễn Văn Trung nỗi niềm với sơn mài - ảnh 1

Bức tranh sơn mài Ngày hội kinh kỳ (khổ 125 x 90 cm, họa sĩ Nguyễn Văn Trung vẽ năm 1957)

Ảnh: BTC
Học người Nhật cách làm tấm vóc
Theo nghề sơn mài từ thập niên 1950, thời vàng son của ngành nghề này lúc đương thời, ông có thể chia sẻ về chuyện vào nghề hồi ấy?
Tôi mê sơn mài từ năm 1952 sau khi xem triển lãm LAK của ba họa sĩ đương thời là Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Anh và Lưu Đình Khải. Nhưng khi vào Trường vẽ Gia Định, học chính là sơn dầu, sơn mài chỉ qua lý thuyết, coi mẫu, do trường không có điều kiện, phòng ốc dạy sơn mài. Nhờ thầy hiệu trưởng Lê Văn Đệ nhận đơn hàng vẽ đem về cho sinh viên làm, lấy thu nhập làm kinh phí mua nguyên liệu, sinh viên mới có cơ hội thực tập và vẽ sơn mài.
Đến khi trường nhận được hợp đồng làm bức vẽ có tên Lao động Việt Nam tặng Tổ chức Lao động quốc tế tại Thụy Sĩ, tôi được phân công thực hiện cùng anh em trong trường, bức đó lớn lắm, cao hơn 3 m, dài hơn 12 m. Sau hợp đồng, tiền thu về được nhà trường dùng mở rộng phòng ốc, mua vật liệu, làm kho, xây phòng ủ tranh gắn máy lạnh điều chỉnh nhiệt độ, xưởng sơn mài của trường ra đời. Tôi mê sơn mài, cả tuần học vẽ vài tiếng, còn bao nhiêu thời gian dành làm sơn mài cho thầy Đệ hết, nhờ vậy nắm được nhiều kỹ thuật, làm chủ được chất liệu.
Được biết sau khi tốt nghiệp Mỹ thuật Sài Gòn, ông có cơ hội sang Nhật tu nghiệp chuyên sâu về sơn mài, chuyến đi đó có điều gì khiến ông tâm đắc? 
Ở VN, tiếng là học sơn mài nhưng đa phần tự mày mò, làm theo bản năng, kinh nghiệm. Khi sang Nhật, nghề sơn mài được xã hội coi trọng, nhưng cách làm họ khác, có nghiên cứu, có nhà nước hỗ trợ, từng công đoạn được đúc kết khoa học, tối ưu hóa sản phẩm. Đặc biệt người Nhật họ làm gì cũng cẩn thận, dạy hết những kỹ thuật họ biết cho mình, còn căn dặn kỹ khi về nếu dạy lại cho người khác, phải làm lại lần nữa để kiểm chứng cho chắc ăn. 
Ngoài phương pháp, nếu nói về chuyên môn, học sơn mài Nhật có điểm gì khác lạ khi so sánh với học sơn mài Việt, thưa ông? 
Trước khi đến Nhật, tôi hình dung sẽ được học các kỹ thuật thể hiện ý tưởng, phong cách, ngôn ngữ sáng tác… Nhưng người Nhật lại chú trọng vào tấm vóc, với 30 công đoạn khác nhau. Đầu tiên là phần chọn ván gỗ tốt đã qua xử lý, tiếp đến là hom lót được thực hiện kỳ công, từ lớp sơn sống, phất lụa hoặc vải thô, đến công đoạn hom chu. Người Nhật sử dụng các loại bột kích cỡ khác nhau, từ to đến nhỏ dần, trộn từng loại vào sơn rồi phết chồng thành lớp lên mặt gỗ, tạo kết cấu liền mạch từ trong ra ngoài, bền chắc, làm nền cho những sáng tác nổi lên trên.
Còn ở VN, vóc làm tùy tiện, mỗi địa phương có thói quen riêng, thường dùng bột chu nhuyễn từ phù sa sông Hồng, quậy sơn rồi phết lên theo quan điểm dày là bền, nhưng dày mà không kết dính với cốt, chỉ một va đập là bong vỡ cả mảng.
Ông thấy nguyên tắc làm vóc kiểu Nhật có ứng dụng được trong sơn mài Việt?
Tôi học và lưu lại tất cả kỹ thuật đó của Nhật, về VN mày mò, nghiên cứu rút bớt công đoạn thừa, và đúc kết thành 20 bước để ra tấm vóc chất lượng. Thầy Đệ khi thấy tôi giới thiệu các công đoạn ấy liền mời về trường dạy 6 giờ mỗi tuần. Sau đó, tôi được mời dạy cả bên Trường Bách khoa Phú Thọ, Trường cao đẳng Kỹ thuật những chuyên môn sơn mài tôi học từ Nhật. 
Kỹ thuật làm vóc theo kiểu Nhật hẳn được các thế hệ học trò của ông tiếp nối và phát triển? 
Suốt quá trình theo nghề sơn mài, tôi không thấy ai chú tâm dạy hay học kỹ phần làm vóc. Ngay cả bạn được học bổng tu nghiệp Nhật về sơn mài sau khóa tôi, lương cao gấp đôi, nhưng chỉ thích thọ giáo các đại sư tận Kyoto về phong cách sáng tác, học vẽ. Học trò tôi dạy cũng chẳng ai tiếp nghề cả.
Họa sĩ Nguyễn Văn Trung nỗi niềm với sơn mài - ảnh 2
Họa sĩ Nguyễn Văn Trung nỗi niềm với sơn mài - ảnh 3

Các tác phẩm trừu tượng thể hiện bằng ngôn ngữ sơn mài

Ảnh: Nguyễn Đình
Phần nền quan trọng nhất, rồi mới đến kỹ thuật
Ông quan niệm giữa chất liệu, kỹ thuật và đề tài thể hiện một tác phẩm sơn mài, đâu là yếu tố quyết định thành công? 
Tôi quan niệm làm gì thì phần nền luôn quan trọng nhất, rồi đến kỹ thuật. Khi nền tốt, kỹ thuật tốt, cái gì anh thể hiện ra cũng đẹp và bền mãi với thời gian, đặc biệt là sơn mài bởi nếu lớp sơn đã khô, độ bền gần như vĩnh cửu. Ở VN, tôi gặp nhiều tác phẩm đẹp, không riêng sơn mài, nhưng phần nhiều hư hỏng, nứt góc, bởi họa sĩ ngày xưa – bây giờ cũng thế, cả những tên tuổi lớn, không phải ai cũng thực sự quan tâm cái gốc là chuẩn mực của vóc, toan, màu. 
Quay lại chuyện cốt nền cần phải chuẩn trước khi thể hiện ý tưởng lên đó, nghe thật đơn giản, có vẻ ai cũng biết nhưng vì sao mọi người coi nhẹ? 
Nó khá giống tâm tính nhiều người, thích khoe bề nổi, vì đó là cái nhanh và dễ thấy nhất. Chuyện coi nhẹ còn một phần do giảng dạy. Một nghịch lý rất lạ là anh không biết lại đi dạy, anh biết thì lại giấu, không biết càng phải giấu vì sợ người ta biết mình không biết gì. Phàm đã che giấu, chẳng bao giờ tiến bộ nổi. Khi chất liệu sơn công nghiệp ra đời dễ khô, dễ vẽ, dễ điều khiển, lại nhanh, rẻ nên người ta chuộng hơn so với làm sơn ta, bởi cả tháng chưa xong một tác phẩm, sơn công nghiệp chỉ hai ngày là đem bán được rồi, cần gì chú tâm đến lớp vóc bên trong. Nhiều họa sĩ bây giờ vẽ sơn mài như sơn dầu, sau đó đánh bóng, đánh nhám nhẹ, vậy là xong, chả công phu, kỹ thuật gì cả, chưa kể chuyện nhờ người khác làm rồi ký tên đem bán thu lợi cao. 
Lập ra Hãng sơn mài Mê Linh, nhiều đơn hàng xuất đi thị trường khó tính là Nhật Bản, bài học thực tế ông cảm thụ là gì? 
Cũng là từ tấm vóc chuẩn mực. Hàng chúng tôi khi đưa ra thị trường nước ngoài, không bị tình trạng trả lại vì lỗi. Cùng đơn hàng với Mê Linh, nhưng cơ sở khác sản xuất, một thời gian sau thường bị trả lại vì lớp sơn bong, nứt bởi cốt nền của vóc không đạt chuẩn. Mỗi lần như thế, đau lắm, vì niềm tin vào sơn mài Việt bị xói mòn, mất tiếng dần trên thị trường.
Họa sĩ Nguyễn Văn Trung nỗi niềm với sơn mài - ảnh 4

Tác phẩm sơn mài mang đề tài cổ điển của họa sĩ Nguyễn Văn Trung

Ảnh: Nguyễn Đình
Cần bảo tồn các tác phẩm sơn mài
Chắc hẳn ông cũng có những đề xuất để khắc phục điểm yếu này của sơn mài Việt bởi đó là “mỏ vàng” cho xuất khẩu suốt thập niên 1950 – 1980?
Thời quốc doanh, tôi từng đề xuất nhà nước phải kiểm soát vóc, không cho tự do phát triển bởi không kiểm soát được chất lượng. Chẳng hạn hợp tác xã hay các nghệ nhân được giao số lượng sản xuất, khi hoàn thiện đem kiểm tra, đạt mới đóng dấu mộc kiểm soát, chuẩn mực hóa nghề làm vóc, ai có đơn hàng xuất khẩu đến hợp tác xã nhận vóc qua kiểm định về vẽ lên đó. Nhưng tôi vỡ mộng vì không ai nghe theo. Mọi người tự thân phát triển, dẫn đến sai lệch ngày càng lớn, cho đến giờ vẫn vậy.
Cả đời lao động, quan sát, so sánh, sáng tác, đồng hành cùng sơn mài, có điều gì khiến ông lưu tâm khi đề cập đến sơn mài Việt trong thời điểm hiện nay?
Sơn mài có đẹp, có sống động, không thể thiếu vàng và bạc. Nhưng hiện chúng ta đang đứng trước một đại họa lớn. Tôi đi thăm bảo tàng trong nước, thấy bạc trong nhiều tác phẩm sơn mài vài chục năm tuổi đang bị ô xy hóa, ngả đen dần. Màu đen hiện tạm chấp nhận, nhưng nó vẫn sẽ tiếp tục đen thêm sau vài chục năm nữa, khi ấy tác phẩm còn lại gì? Sự biến đổi này hoàn toàn không do chủ ý họa sĩ, mà do tự nhiên. Chúng ta phải tính chuyện bảo tồn, bởi còn ở mức cứu được. Có thể dùng sơn sống áo lên lớp bạc, toát sơn giảm quá trình ô xy hóa, giữ lại màu, đừng để quá muộn.
Là lão bối trong làng sơn mài Việt, ông có thể chia sẻ điều ông tâm đắc với nghề cho hậu bối?
Làm nghệ sĩ, lại là sơn mài, không dễ sống với mỹ thuật thuần túy là sáng tác. Phải tạo ra sản phẩm đại chúng hóa, để xã hội tiếp nhận, người ta thích, hiểu về chất liệu, hiểu về sơn mài, chọn mua sản phẩm, khi ấy sáng tác vẫn chưa muộn. Tôi hồi xưa chỉ làm đúng cái người ta muốn, tiền để không hết, giá trị cũng tăng theo, sau tuổi 50 tôi mới sáng tác, còn bây giờ tán chuyện sơn mài cho vui thôi. Già rồi còn gì.
Tôi hồi xưa chỉ làm đúng cái người ta muốn, tiền để không hết, giá trị cũng tăng theo, sau tuổi 50 tôi mới sáng tác, còn bây giờ tán chuyện sơn mài cho vui thôi. Già rồi còn gì
Họa sĩ Nguyễn Văn Trung sinh năm 1937 tại Sài Gòn, theo sơn mài từ năm 1952, học Trường cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn từ năm 1956, tu nghiệp sơn mài tại Sendai, Nhật Bản 1960, dạy sơn mài ở Mỹ thuật Sài Gòn, Bách khoa… Ông thực hiện những tác phẩm sơn mài giá trị hiện lưu tại Thụy Sĩ, Dinh Độc Lập, các bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước…
Họa sĩ Nguyễn Văn Trung nỗi niềm với sơn mài - ảnh 5

Họa sĩ Nguyễn Văn Trung trong không gian trưng bày tại tư gia

Ảnh: Nguyễn Đình
Trong số ngành nghề thủ công truyền thống nổi bật của miền Nam thập niên 1950 – 1960, sơn mài là một thế mạnh, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu với Bình Dương có làng Tương Bình Hiệp, sơn mài Thành Lễ; Sài Gòn có Mê Linh. Họa sĩ sơn mài Nguyễn Văn Trung là đồng sáng lập và điều hành sơn mài Mê Linh nức tiếng một thời (giám đốc là họa sĩ Nguyễn Văn Minh). Một trong những công trình nổi bật của Mê Linh hiện còn lưu lại là không gian trang trí nội thất phòng trình quốc thư ở Dinh Độc Lập hoàn thiện năm 1967. Điểm nhấn căn phòng là bức ghép 40 miếng sơn mài đề tài Bình Ngô đại cáo, cùng những chi tiết nội thất, bàn ghế, trang trí bằng chất liệu sơn mài, do họa sĩ Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Trung thực hiện.
Họa sĩ Nguyễn Văn Trung nỗi niềm với sơn mài - ảnh 6

Nội thất sơn mài ở phòng khánh tiết Dinh Độc Lập do họa sĩ Nguyễn Văn Trung thực hiện

Ảnh: Nguyễn Đình
Cách chuyển màu rất tự nhiên, rất “ngọt”
So với những tác phẩm đương thời cùng họa sĩ Nguyễn Văn Trung, điểm khác biệt dễ nhận thấy ngay trong tranh của ông là chất liệu. Ông chọn toan vẽ dầu, lụa, hay vóc đều rất kỹ, cũng một phần do tính cách của ông. Màu sắc trong tranh của ông cũng rất tươi và mượt mà.
Điều anh em trong giới hội họa thích bàn luận khi nói về tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Trung ngoài bố cục chặt chẽ, ý tưởng rộng mở, còn là cách chuyển màu tài tình. Lấy ví dụ cùng là sắc độ xanh nhưng cách ông chuyển từ xanh nhạt, xanh lợt, qua xanh đậm rất tự nhiên, rất “ngọt” theo cách nói về dụng màu trong hội họa.
Họa sĩ Võ Bình, chuyên gia phục chế tranh
Người đam mê chia sẻ về hội họa, sơn mài
Tôi biết đến họa sĩ Nguyễn Văn Trung qua các tác phẩm ông sáng tác, điều ấn tượng là phong cách và ý tưởng trong tranh ông rất đa dạng. Ông sử dụng đủ chất liệu, từ lụa, sơn dầu, sơn mài thể hiện lên những đề tài từ trừu tượng đến truyền thống, cổ điển.
Khi gặp ông ngoài đời thực, càng ấn tượng hơn nữa với phong thái, tính cách, sự điềm đạm, khiêm tốn, cách sống bình dị và đặc biệt là niềm đam mê mỗi khi chia sẻ với người đối diện về hội họa, về sơn mài. Mỗi lần gặp, tôi luôn thấy ở ông phong thái an nhàn, vui vẻ và rất cởi mở, chân tình, gần như không có khoảng cách thế hệ.
Nhà sưu tập Nguyễn Văn Sĩ

PHÂN ƯU

Posted: Tháng Mười 17, 2019 in Trang Chủ

PhanUu